Hãy kinh doanh như đang khởi nghiệp lần đầu!

Có câu nói của một doanh nhân bậc cha chú mà tôi rất thích. Đó là làm cái mình thích là chơi, chơi cái mình không thích là làm. Khi mình làm, người khác nhìn

Ông Phạm Ngọc Ấn – người đứng đầu DMSpro đã đưa công ty nhanh chóng vào top 3 thị trường DMS trong nước và từng bước ra các nước trong khu vực. Niềm say mê, nhiệt huyết đã giúp ông không phải “đầu tắt mặt tối” dù cùng lúc làm nhiều việc, từ quản lý công nghệ thông tin đến kinh doanh giải pháp phần mềm, xây dựng, y tế…

* Từng làm việc trong một công ty thức uống lớn nhất nhì cả nước, duyên cớ nào đã đưa ông đến với lĩnh vực công nghệ thông tin?

– Được đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin và khi học để lấy bằng MBA ở nước ngoài, một người thầy đã khuyên tôi nên kinh doanh trong lĩnh vực đã học. Khởi đầu, tôi đã phụ trách mảng công nghệ thông tin tại một công ty nước giải khát lớn nhất nhì cả nước. Tại đây, khi thấy công ty chọn sai giải pháp quản lý phân phối hàng hóa (Distributor Management System – DMS) còn mình thì bất lực không thể can gián, tôi đã nghĩ đến việc phải làm gì đó để sửa sai.

Trong thời gian này lại thấy một số anh em bạn bè làm việc ở những công ty đang thay đổi chiến lược kinh doanh khiến họ đứng giữa 2 quyết định tiếp tục làm hay là nghỉ. Nhìn ra bên ngoài, nhu cầu sử dụng DMS rất lớn nhưng chưa có công ty nào có công nghệ phù hợp đáp ứng đúng mong mỏi của doanh nghiệp. Vậy là tôi tập hợp bạn bè và mở công ty chuyên về DMS – Công ty CP DMSpro.

* Ra đời khi thị trường đã có những thương hiệu lớn như FPT, Viettel, làm thế nào để DMSpro có chỗ đứng?

– Lúc đó, chúng tôi làm với niềm đam mê mãnh liệt, và quyết tâm không được thất bại. Anh em mà tôi tập hợp được đều là những người có chuyên môn tốt, trẻ tuổi nên rất dễ thử nghiệm điều gì đó mới mẻ. Thời điểm đó, các công ty thường tự viết các ứng dụng vì làm như vậy sẽ tiết kiệm được chi phí. Tôi không làm như vậy mà chọn cách đi cùng các hãng lớn.

Hơn nữa, chúng tôi chỉ chuyên về DMS, mặc dù bản thân tôi rất rành và yêu thích mảng ERP (phần mềm tự động hóa tác nghiệp của đội ngũ nhân viên của doanh nghiệp – Enterprise Resource Planning Software). Tôi quan niệm một mình khó làm nên chuyện, vì thế, lĩnh vực hoạt động của DMSpro được quyết định dựa trên chuyên môn của số đông anh em. Có thể khẳng định, tại khu vực ASEAN hiện nay chỉ có DMSpro chuyên về giải pháp quản lý phân phối bán hàng.

Người Việt Nam giỏi về lập trình, nhưng để tạo ra kiến trúc cho một ứng dụng thì rất yếu. Chọn cách hợp tác với các hãng lớn nước ngoài là cách chúng tôi khẳng định với khách hàng về việc phát triển bền vững. Móng phải vững thì sau này mới có thể nâng căn nhà lên 10 – 20 tầng mặc dù hôm nay chỉ mới có 4 – 5 tầng thôi.

Bất lợi của một doanh nghiệp đến sau là ít vốn nên các đối thủ lớn có thể “giết” mình dễ dàng. Chỉ cần họ bán giá rẻ hoặc thu hút người là công ty đã gặp nhiều khó khăn. Nhưng có một điều khá may mắn là những anh em làm việc ở DMSpro rất gắn bó với Công ty.

* Thị trường DMS đã có nhiều “ông lớn” trong và ngoài nước, hẳn việc cạnh tranh sẽ rất khó khăn?

– Vì đi với các hãng lớn nước ngoài nên giá bán gói giải pháp của DMSpro cũng cao hơn các đối thủ. Đây là bất lợi nhưng cũng là lợi thế của chúng tôi. Vì những doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc cho việc phân phối, bán hàng thường chọn giải pháp của công ty công nghệ có uy tín để đảm bảo triển khai thành công.

Nhưng để có sự “hậu thuẫn” từ các hãng lớn nước ngoài là không hề dễ dàng. Chúng tôi phải mất nhiều thời gian để chứng minh năng lực với đối tác. Chẳng hạn như với Aucumatica (Mỹ), phải mất hơn một năm chúng tôi mới thuyết phục đối tác cho mức giá chấp nhận được. Nhìn thấy thành công của chúng tôi với Aucumatica, SAP đặt vấn đề làm nhà cung cấp nhưng yêu cầu phải trả hơn 1 triệu EUR phí đối tác (partner).

Đây là khoản tiền không nhỏ đối với một doanh nghiệp Việt Nam nên không có “cái bắt tay” xảy ra mặc dù chúng tôi rất muốn làm việc với đối tác này. Thế nhưng, hơn một năm sau, SAP đã quay lại đặt vấn đề nhà cung cấp giải pháp mà không yêu cầu phí partner. Họ yêu cầu chúng tôi cam kết doanh số trong vòng 2 năm nhưng chỉ một năm sau, chúng tôi đã đáp ứng được.

Hiện tại, chúng tôi đang “đứng trên vai” của 2 người khổng lồ SAP và Aucumatica. Có hãng, có sức trẻ, có công nghệ tiên tiến, có đam mê lại chuyên về mảng DMS nên chúng tôi có lợi thế so với các đối thủ.

* Ông có thấy giá bán sẽ là một bất lợi khiến DMSpro khó phát triển thị trường vì Việt Nam có đến 90% doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa?

– Việc quản lý phân phối và bán hàng hiện thời rất quan trọng. Tôi vẫn thường nói đùa với khách hàng là, cho dù sản phẩm của các anh chị có tệ một chút mà phân phối tốt thì vẫn có thể tồn tại, nhưng sản phẩm của các anh chị cực kỳ tốt nhưng cách bán hàng không tốt coi như thất bại. Doanh nghiệp chỉ cần một vài ngày bán hàng không được thì đối thủ chèn hàng vào ngay.

Người tiêu dùng vào cửa hàng mua sản phẩm nào đó một hai lần mà không có thì họ sẽ thử ngay sản phẩm của thương hiệu khác. Ở DMSpro, chúng tôi có một số tiêu chí để các bạn sale tự phân loại. Nếu làm việc trực tiếp với chủ doanh nghiệp hay cấp cao mà họ thật sự muốn làm thì dù họ nhỏ, huề vốn chúng tôi cũng làm. Còn nếu doanh nghiệp nào làm theo kiểu để tìm hiểu thì chúng tôi không tham gia. Nói một cách dân dã, là dân IT, chúng tôi “rất sướng” khi giải pháp IT giúp cho doanh nghiệp giải quyết vấn đề trong kinh doanh.

>> 5 bài học lãnh đạo từ các công ty khởi nghiệp thành công

Nhu cầu về giải pháp quản lý phân phối, bán hàng trên thị trường hiện nay rất cao nên chúng tôi không lo thiếu việc. Chỉ riêng trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, đến 80% doanh số đem lại cho các công ty thông qua cửa hàng tạp hóa – nơi rất cần các giải pháp DMS. Khi đã ứng dụng giải pháp này, các doanh nghiệp không còn phụ thuộc vào nhân viên sale. Doanh nghiệp có thể nắm bắt toàn bộ hoạt động ngoài thị trường từ đội ngũ sales, các chương trình trưng bày, khuyến mãi, tồn kho cho đến độ phủ của đối thủ trực tuyến mà không cần phải đi đâu.

* Nghe nói không chỉ khai phá thị trường trong nước, ông còn đưa DMSpro ra nước ngoài?

– Với lợi thế đi với các hãng lớn nên chúng tôi muốn khai phá những miền đất mới. Năm nay là năm chúng tôi xây dựng thị trường ở Myanmar, Thái Lan, Indonesia, Philippines. Hiện nay, chúng tôi đã có những khách hàng lớn ở những nước này nhưng làm với thị trường nước ngoài đòi hỏi thời gian dài.

Chẳng hạn như thị trường Campuchia hay Myanmar, trước đó nhiều doanh nghiệp gần như không biết khái niệm DMS nên mình phải cho họ hiểu DMS là gì, tại sao phải cần đến DMS. Chỉ khi hiểu rồi họ mới đầu tư. Bắt đầu từ năm 2018, chúng tôi sẽ dành 50% nguồn lực để phát triển thị trường các nước.

* So với Việt Nam, ông thấy thị trường ở Myanmar, Philippines, Indonesia và Campuchia có “dễ ăn”?

– Phải nói là Việt Nam và các nước ấy rất giống nhau. Trong khu vực Đông Nam Á, trừ Singapore và Malaysia có nhiều cửa hàng tiện lợi hơn cửa hàng tạp hóa, những nước còn lại cũng giống như Việt Nam. Thậm chí, tại Indonesia, Philippines, cửa hàng tạp hóa còn nhiều hơn ở Việt Nam.

Điều đáng nói là nhân viên sale có thể không tuân thủ kỹ luật, làm hai ba công việc một lúc cho nhiều nơi khiến doanh nghiệp muốn nhanh chóng ứng dụng DMS để quản lý đội ngũ bán hàng tốt hơn. Điều thuận lợi là hiện nay cơ sở hạ tầng của các nước vừa nêu đã sẵn sàng cho việc triển khai DMS trên nền tảng điện toán đám mấy (cloud). Myanmar một năm trước không có 3G nhưng nay 3G còn tốt hơn ở Việt Nam.

Chúng tôi tự tin khẳng định, hiện DMSpro đang đứng trong top 3 thị trường DMS khi đã có nhiều khách hàng lớn trong các lĩnh vực nước uống, sữa, mỹ phẩm, điện tử, điện gia dụng, vật liệu xây dựng. Trên bản đồ khu vực, chỉ có 2 thương hiệu có tầm là DMSpro và FPT.

* Nhưng không chỉ làm DMS, ông còn tham gia vào lĩnh vực xây dựng, khám chữa bệnh, kinh doanh quán cà phê…

– Làm nhiều nhưng niềm đam mê của tôi vẫn là lĩnh vực công nghệ thông tin và tôi dành hết tâm huyết vào đấy. Tôi thích được đem công nghệ thông tin vào giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp để giúp cải tiến năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Xây dựng là công việc tôi hỗ trợ anh em trong gia đình, mảng y tế hay kinh doanh quán cà phê ở Hà Nội cũng là cái duyên nhưng tôi chỉ tham gia setup, còn vận hành và điều hành đã có bạn bè trực tiếp thực hiện nên tôi có thể quản trị được thời gian và công việc của mình.

* Kinh tế đang phát triển, ngành bán lẻ cũng theo đó mà tăng lên. Theo ông, trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ phải trang bị những gì để có thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài?

– Có mấy điểm mà người Việt Nam cần thay đổi. Đó là ý thức tự giác, trách nhiệm với công việc, tính kỷ luật trong tuân thủ công việc. Nếu cảm thấy công việc không bị quản lý thì nhiều người sẽ tận dụng để làm việc khác. Do đó, nếu muốn cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài thì cần có quy trình làm việc chuẩn hóa thông qua công nghệ thông tin.

Hiện nay, ngồi ở đâu cũng có thể quản lý hàng ngàn cửa hàng trong khi chúng ta làm thủ công. Vì vậy, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp phải nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý. Chỉ có thông tin đủ, đúng và kịp thời thì mới quản lý hiệu quả, mới cảỉ tiến được năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, dịch vụ và tăng tính cạnh tranh.

>> 5 cách lấy lòng khách hàng nhờ phương thức phân phối

* Đã có lúc nào ông chùn bước và lo ngại khi phải đối mặt với thách thức?

– Đã chọn con đường kinh doanh là phải chấp nhận khó khăn, thách thức. Áp lực lớn nhất của tôi là làm sao đáp ứng nhanh nhất nhu cầu của khách hàng. Khách hàng gọi điện thoại cho tôi lúc 5h sáng, 12h đêm là việc bình thường. Khi khách hàng gọi cho mình vào những giờ đó có nghĩa là họ cần gấp nên phải động viên nhân viên cố gắng hơn.

Tôi thường nói với nhân viên là phải vượt qua chính mình. Các bạn thấy công ty có tên tuổi, có thị trường nên đôi khi cảm thấy tự mãn, như vậy là không nên. Phải luôn giữ tinh thần khởi nghiệp. Bởi khi đó năng lượng nhiều nhất, niềm tin lớn nhất và sự thay đổi mà mình có thể chấp nhận ở mức cao nhất.

Phải nghĩ như ngày hôm nay mới khởi nghiệp chứ đừng nghĩ là doanh nghiệp đã có chỗ đứng rồi. Nếu cho mình là “ngôi sao” và hành xử với khách hàng cũng với tư thế mình là ngôi sao thì xem như thất bại. Bệnh ngôi sao là điều tôi lo ngại xảy ra trong nhân viên Công ty. Người trẻ năng động nhưng rất dễ tự mãn.

* Theo ông, muốn khởi nghiệp thành công cần yếu tố nào?

– Trước khi khởi nghiệp, các bạn trẻ phải nghĩ về kế hoạch nghiêm túc chứ đừng thấy người ta làm mà mình làm theo. Thứ 2 là phải chọn ngành nào mà mình thật đam mê và phải kiên nhẫn với nó. Khi đã làm thì phải làm với tinh thần không có gì để mất. Đừng nghĩ đến tiền lúc đó. Nếu làm với tinh thần lúc nào cũng căn ke là hôm nay lỗ ngày mai phải lãi bằng mọi cách thì thất bại rất nhanh.

Khi nghĩ đến đồng tiền sớm quá thì đôi khi dịch vụ của mình sẽ bị ảnh hưởng. Mà một khi khách hàng mất niềm tin thì sẽ mất hết. Tóm lại, khi khởi nghiệp, bạn trẻ phải giữ được niềm đam mê, làm sao đảm bảo nguồn năng lượng như lúc đầu và nếu được thì tìm những đối tác có cùng đam mê đó.

* Làm nhiều như vậy, những lúc căng thẳng, ông giải tỏa stress bằng cách nào?

– Có câu nói của một doanh nhân bậc cha chú mà tôi rất thích. Đó là làm cái mình thích là chơi, chơi cái mình không thích là làm. Khi mình làm, người khác nhìn vào thấy sao cực vậy nhưng với mình thì như đang đi chơi vì thích và mê nó.

Đã là doanh nhân thì công việc rất nhiều. Tuy nhiên, nếu lên kế hoạch tốt, biết việc nào cần ưu tiên làm trước, biết phân công công việc thì có thể sắp xếp được tất cả. Cứ giữ tiêu chí cái gì mê thì hãy làm còn cái gì thấy lợi nhuận muốn nhảy vô thì phải xem thử liệu như vậy có tốt hay không, vì cái người khác làm được nhưng chưa chắc mình làm được.

Sách là bạn của tôi. Mỗi khi gặp vấn đề gì đó tôi lại tìm đến sách. Nếu như người trong Công ty thấy tôi cầm cuốn sách là lúc đó tôi đang có chuyện phải suy nghĩ, phải giải quyết, áp lực cần giải tỏa.

Tôi hay đọc sách của tác giả Alan Phan, sách kinh doanh hay những cuốn sách về chiến tranh. Việc đọc sách của tôi hình thành từ khi học ở nước ngoài. Nhờ đọc sách, tôi tìm thấy rất nhiều thứ. Lúc đầu cứ thấy sách nổi tiếng, sách bán chạy thì mua đọc, và khi ấy, việc đọc sách của tôi cũng giống như một bạn chưa từng làm quản lý mà đi học thạc sĩ nên những kiến thức được dạy không áp dụng được. Nhưng những người đã đi làm thì khi được thầy dạy sẽ vỡ ra nhiều thứ. Vì vậy, khi gặp vấn đề gì đó tôi đọc sách để tìm cách giải quyết.

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *